Tìm kiếm
Đóng hộp tìm kiếm này.

4 xu hướng và 3 thách thức ngành bán lẻ đáng chú ý trong năm 2023

Cá nhân hóa

Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ những năm gần đây rất có tiềm năng và đang dần “chuyển mình” để bắt kịp những xu hướng mới của thời đại số. Thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là một mảnh đất màu mỡ khi chứng kiến sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn bán lẻ lớn trên toàn cầu như Central Retail (Thái Lan) và Aeon (Nhật Bản) đã công bố mức đầu tư hay mục tiêu tăng số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam trong những năm tới. 

Gen Z là thế hệ lớn lên cùng internet và chiếm gần ⅓ dân số trong độ tuổi lao động tại Việt Nam hiện nay, sức mua và tiêu dùng của nhóm đối tượng này là cực kỳ lớn. Để cạnh tranh trong thị trường phát triển nhanh chóng và sôi động này, các nhà bán lẻ cần phải bắt kịp xu hướng và  xây dựng những chiến lược cũng như mô hình kinh doanh phù hợp.

Cùng điểm qua các xu hướng và thách thức nổi bật trong ngành bán lẻ dưới đây nhé.

I. 4 xu hướng trong năm tới của ngành bán lẻ

Mở rộng kênh bán đang được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư

Xu hướng mạnh mẽ nhất hiện nay chính là mở rộng kênh bán hàng, đưa hoạt động bán hàng lên đa kênh và tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Dữ liệu toàn cầu từ McKinsey cho biết khách hàng mua sắm trên đa kênh có lượng mua sắm nhiều hơn 1,7 lần so với người mua sắm chỉ duy nhất một kênh.

Bán hàng đa kênh (Omnichannel) được xem là chiến lược kinh doanh hiệu quả trong thời đại 4.0. Mô hình này cung cấp cho doanh nghiệp nhiều hướng tiếp cận với khách hàng, tăng khả năng tương tác, thúc đẩy tỷ lệ giữ chân khách hàng và doanh số bán hàng của thương hiệu.

Theo báo cáo của Aberdeen Group, các công ty có sự tham gia của khách hàng đa kênh nhận thấy thu nhập hằng năm tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, và con số này chỉ đạt 3,4% ở các công ty không có khách hàng đa kênh. 

Có thể thấy với mô hình Omnichannel, cả hai phía khách hàng và nhà bán lẻ đều sẽ được lợi. Nhà bán lẻ cần có kế hoạch xây dựng một chiến lược bán hàng đa kênh bài bản và phù hợp để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn nữa trong thời kỳ chuyển đổi số.

Gen Z trở thành động lực mua sắm mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng thế hệ gen Z vào năm 2025 dự kiến đóng góp một phần ba vào lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Là thế hệ đầu tiên được nuôi dạy và lớn lên cùng internet và kỹ thuật số, gen Z tiếp xúc và dành nhiều thời gian cho việc online hơn những thế hệ trước đó. 

Theo báo cáo Consumer Culture do 5WPR, gen Z sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để tham gia vào những trải nghiệm công nghệ thú vị, mang lại niềm vui hoặc giúp họ cải thiện cuộc sống hằng ngày. Những mặt hàng được thế hệ Z ưu tiên bao gồm điện tử, công nghệ, y tế và sức khỏe. Tuy nhiên, các sản phẩm điện tử và công nghệ thường có giá cả đắt đỏ. Các thương hiệu cần có những chiến lược phù hợp để chứng minh được sản phẩm giải quyết được vấn đề của khách hàng, thuyết phục và giữ chân khách hàng mua sắm và tiêu dùng sản phẩm.

Shoppertainment đang dần trở nên phổ biến

Người mua hàng đang dần trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số, shoppertainment cũng là một xu hướng được người dùng ưa chuộng. Việc kết hợp giữa mua sắm và giải trí đem lại sự mới lạ và độc đáo. Tại đó, khách hàng không chỉ mua hàng trực tuyến theo cách thông thường mà có thể tương tác trực tiếp với người bán. Điều này giúp họ có được trải nghiệm thú vị, liền mạch và không bị nhàm chán.

Shoppertainment

Xu hướng mua sắm kết hợp giải trí mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị

TikTok Shop hiện nay là top 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất và đồng thời cũng là nền tảng dẫn đầu xu hướng shoppertainment tại thị trường Việt Nam. Báo cáo về doanh thu của TikTok Shop tính từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2022, con số đã lên đến 1698 tỷ đồng, 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32 nghìn nhà bán đã phát sinh đơn hàng. 

Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến thị trường chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng của mô hình thương mại truyền thống và thay vào đó là sự lên ngôi của mô hình thương mại điện tử. Người tiêu dùng ngày nay mong muốn nhiều hơn là một trải nghiệm mua sắm thông thường. Để cạnh tranh được trong thị trường, cá nhà bán lẻ cần thay đổi liên tục để bắt kịp nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Shoppertainment chính là một trong số những thay đổi mà nhà bán lẻ nên hướng tới.

Ứng dụng công nghệ thúc đẩy sự tăng trưởng 

Thời đại công nghệ 4.0 phát triển, việc cải tiến vận hành là một trong những xu hướng cần được cân nhắc và xem trọng. Nhà bán lẻ cần tiến hành ứng dụng công nghệ vào các hoạt động bán hàng và marketing của doanh nghiệp, thúc đẩy các kênh bán hàng. Đây sẽ là cánh tay đắc lực của thương hiệu trong việc hỗ trợ đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp và mang lại hiệu quả.

Theo khảo sát của Digital Commerce 360 cuối năm 2022, 76% nhà bán lẻ được khảo sát cho biết họ có kế hoạch tăng đầu tư vào công nghệ để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trung thành trong năm 2023. Công nghệ bên cạnh việc hỗ trợ sự tăng trưởng của nhà bán lẻ còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, giúp tối ưu hóa hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều báo cáo cho thấy người tiêu dùng ngày càng dành nhiều thời gian cho các thiết bị kỹ thuật số. Các thương hiệu từ đó cũng có xu hướng chuyển đổi chiến lược kinh doanh với sự hỗ trợ của công nghệ giúp tăng mối liên kết giữa các kênh bán hàng online, offline và khách hàng. Số liệu từ MMA MarTech Maturity Survey năm 2022 cho thấy có đến 87% doanh nghiệp nói họ sẽ tăng chi phí vào Martech trong 5 năm tới. 32% đơn vị sử dụng Martech vào việc đo lường doanh thu và lợi nhuận. 

Ứng dụng công nghệ vào bán lẻ là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số 4.0. Để không bị bỏ lại giữa làn sóng cạnh tranh và phát triển không ngừng của nền kinh tế hiện đại, các nhà bán lẻ cần nhanh chóng số hóa các hoạt động và có chiến lược rõ ràng để triển khai thật hiệu quả.

II. 3 thách thức mà nhà bán lẻ phải đối mặt

Khách hàng mong đợi vào một trải nghiệm đa kênh liền mạch

Bên cạnh việc phát triển thành một xu hướng, bán hàng đa kênh Omnichannel được xem là một thách thức không hề “dễ nhằn” đối với nhà bán lẻ. Khi nhà bán lẻ bán hàng thông qua nhiều kênh, điều đầu tiên họ cần làm chính là tạo sự liên kết và hợp nhất giữa các kênh. 

Khách hàng có thể ưa chuộng sự linh hoạt trong quá trình tương tác đa kênh của nhãn hàng, khi họ có thể tìm thấy sản phẩm của thương hiệu ở bất cứ đâu. Tuy nhiên họ có thể bỏ đi bất cứ lúc nào nếu những tương tác ấy không đem lại cho họ sự đồng nhất và thuận tiện. Khi chuyển đổi giữa trải nghiệm online và offline, khách hàng không chỉ mong muốn có những sản phẩm giống nhau mà còn đòi hỏi sự liền mạch trong trải nghiệm.

Triển khai các chương trình khách hàng thân thiết tích hợp việc ứng dụng công nghệ giúp thu thập dữ liệu từ khách hàng, đồng thời sử dụng những dữ liệu đó để kịp thời cung cấp những nội dung và ưu đãi phù hợp đến từng khách hàng, cung cấp cho họ trải nghiệm cá nhân hóa tuyệt vời nhất.

Duy trì lòng trung thành khách hàng

Trong kỷ nguyên của công nghệ, của số hóa, khách  hàng dễ bị xao nhãng bởi lượng không tin khổng lồ. Mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi người tiêu dùng hiện nay có hàng vạn những lựa chọn hấp dẫn khác so với sản phẩm/ dịch vụ của bạn. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chi phí để giữ chân một khách hàng rẻ gấp 5 lần chi phí để có được một khách hàng mới. Tuy nhiên sai lầm phổ biến của các nhà bán lẻ hiện nay chính là cho rằng họ có thể dễ dàng thay thế một khách hàng mới cho khách hàng đã rời bỏ.

Mặc dù các ưu đãi đặc biệt và các chương trình khuyến mãi vẫn là những yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng, nhưng cá nhân hóa mới chính là chìa khóa then chốt để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho họ. Để có được khách hàng trung thành, nhà bán lẻ cần sử dụng các phương pháp tiếp cận và tương tác cá nhân hóa, cung cấp những nội dung phù hợp nhu cầu và mong muốn của họ.

Cá nhân hóa chính là chìa khóa để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng

Chọn giải pháp công nghệ phù hợp cho doanh nghiệp

Một giải pháp công nghệ hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tự động hóa các tác vụ, góp phần đơn giản hóa quy trình và tiết kiệm chi phí? Nghe có vẻ tuyệt vời đấy. Nhưng trong hằng hà sa số các phần mềm, đâu là công cụ phù hợp dành cho doanh nghiệp của bạn? 

Mỗi doanh nghiệp sẽ gặp một vấn đề riêng biệt, đôi khi bạn có thể lựa chọn nhầm giải pháp cho vấn đề của mình. Hãy sáng suốt trong việc lựa chọn một giải pháp toàn diện với nhiều tính năng giúp nhà bán lẻ quản lý hệ thống và hoạt động kinh doanh tốt hơn. Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ càng nhu cầu của mình là gì để có được sự lựa chọn hợp lý nhất.

Thụy Ngọc (tổng hợp từ nhiều nguồn)

Phan Công Duy